– Là ước mơ từ nhỏ, lại được một trường đại học lớn, uy tín như Assumption University (Thái Lan) trao học bổng để trở thành một giáo viên, vì sao chị lại từ bỏ để trở thành một cán bộ dự án của các tổ chức phi chính phủ?
– Tôi được làm quen với các tổ chức phi chính phủ qua công việc phiên dịch từ năm thứ 3 đại học theo sự dẫn bảo của ba, một cán bộ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc. Những chia sẻ của ba về lĩnh vực xã hội cộng với cơ hội được hiểu thêm về các đối tượng đặc biệt như tiêm chích ma túy, nhiễm virus HIV, mại dâm,… trong quá trình làm phiên dịch khiến tôi yêu thích công việc này hơn. Tuy nhiên, tôi không từ bỏ ước mơ làm giáo viên. Sau khi ngừng việc giảng dạy tại một trung tâm Anh văn, chuyển hẳn sang công tác tại các tổ chức phi chính phủ, tôi cũng có đến 6 năm phụ trách một số dự án dành cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Tổ chức Cứu trợ trẻ em. Tôi thích trẻ con và thích được chia sẻ kiến thức với chúng. Rồi từ khi trở thành mẹ, tôi là cô giáo ở nhà của hai con gái.
– Chị yêu thích công việc này đến vậy thì sao lại quyết định ở nhà? Đó có phải là sự hi sinh vì các con?
– Thật ra tôi không nghỉ hẳn ngay sau khi sinh mà tiếp tục làm việc bán thời gian trong 6 tháng; rồi con lớn một chút, tôi tìm những công việc gần nhà. Tuy nhiên, nhận thấy khó lòng chu toàn cả việc của tổ chức lẫn chăm sóc hai con nên tôi chọn điều quan trọng hơn. Cũng vì muốn điều tốt nhất cho các con, tôi đã chọn không đi Mỹ theo diện học bổng giao lưu cho các social worker trong 8 tháng và từ 3 năm nay, tôi làm công tác quản lý ở Viện Marketing và Quản trị Việt Nam – công việc cho phép tôi làm từ xa. Dĩ nhiên,tôi phải trăn trở rất nhiều trước khi quyết định nhưng đó không phải hi sinh vì con mà là một sự lựa chọn mang tính chủ động. Với tôi, con cái quan trọng hơn những bon chen, danh lợi bên ngoài. Cuộc sống là một chuỗi các lựa chọn và tôi hạnh phúc vì được chủ động lựa chọn.
– Đành rằng chị đã lựa chọn và không hối hận nhưng cũng chẳng dễ dàng?
– Chẳng có chuyện gì là dễ dàng nếu mình muốn làm tới nơi tới chốn. Nhưng tôi tin khi bị đặt vào tình huống bất khả kháng, mình có một cơ hội tốt để khám phá khả năng của bản thân. Vượt qua được khoảng thời gian vất vả chăm sóc và dạy dỗ hai con nhỏ kề tuổi nhau, tôi biết mình có thể làm được nhiều việc hơn mình nghĩ. Cũng nhờ đó, tôi có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với cuộc sống, chuyện gì rồi cũng sẽ qua, mình có thể đi tới dẫu đang phải đối diện với những vấn đề nan giải.
– Làm mẹ, với chị, có khó không?
– Khó chứ! Nuôi con là một hành trình, như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói, mình phải kết hợp cả kiến thức khoa học với nghệ thuật lẫn bản năng. Muốn dạy trẻ, cha mẹ phải thuyết phục bằng lý lẽ, lập luận chặt chẽ, giữ lời hứa và là tấm gương sáng. Vì vậy, muốn các con lớn lên giản đơn, không se sua, vợ chồng tôi đã chọn lối sống giản dị, không chú trọng đến vật chất, bề ngoài mà cố gắng xây dựng những giá trị về tinh thần.
– Người lớn thường áp đặt mong muốn lên con cái nhân danh tình yêu thương. Chị thì sao?
– Chúng tôi thường cân nhắc mọi việc dựa trên nguyên tắc “quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ” chứ không phải “mong muốn của cha mẹ”. Tôi đối xử với con như một người bạn, rõ ràng, thành thật, sòng phẳng, kiểu như “mẹ đã đáp ứng yêu cầu của con vậy khi mẹ yêu cầu con có làm không?”. Tôi muốn tập cho bé đưa ra những lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình chứ không phải bị ép buộc phải chọn. Tôi cũng không đáp ứng mọi đòi hỏi của con mà đặt ra mục tiêu, lộ trình để bé tập được tính kiên nhẫn, nhận biết được giá trị thật và trân trọng những gì mình có. Dĩ nhiên tôi phải giải thích trước khi bé chấp nhận tham gia cuộc chơi mà bạn bè xung quanh chẳng cần phải nỗ lực cũng đạt được điều chúng muốn.
– Chị xử lý thế nào khi con trẻ ương bướng, muốn chứng tỏ mình đã lớn?
– Tôi phân tích điểm tốt – xấu để bé thấy rõ hơn và nêu rõ kinh nghiệm của mình đã trải qua ở tuổi của con. Thông thường bé sẽ chọn điều mẹ muốn vì bé hiểu điều mẹ muốn sẽ tốt hơn cho bé. Dĩ nhiên cũng có lúc bé vẫn chọn theo ý thích của mình, nếu lường trước được hậu quả không lớn, tôi để bé làm rồi dựa trên kết quả sẽ chuyện trò thêm. Bài học đó sẽ giúp bé nhớ lâu hơn, đồng thời củng cố niềm tin của bé đặt vào ba mẹ (cười). Một chuyên gia đã nói, cha mẹ không thể xây một bức tường dày bao bọc xung quanh con mà phải trang bị cho bé liều kháng sinh có khả năng chống lại những điều xấu bên ngoài. Do vậy, tôi cũng muốn để bé ngã, tự đứng dậy trong sự dõi theotừ xa của ba mẹ. Và tôi tin chúng tôi đã tạo ra một môi trường tốt giúp các con có được nền tảng vững chãi để trở thành những người tốt, hữu ích cho xã hội.
– Hai cô con gái là nguồn cảm hứng để chị thường xuyên vào bếp, trổ tài may vá hay chị muốn thông qua đó để dạy con “công, dung, ngôn, hạnh”?
– Tôi không có suy nghĩ phụ nữ phải đạt được 4 tiêu chuẩn đó vì thời nay khác xưa rồi nhưng con gái thì phải khác con trai một chút. Sở dĩ tôi bày ra nhiều hoạt động vui vẻ từ làm bánh, nấu ăn, vẽ tranh cho đến may quần áo cho búp bê vì muốn con có tuổi thơ nhiều màu sắc. Thêm nữa, tôi cũng đang xây đắp tình bạn vững bền với các con để cha mẹ vẫn là một bến đỗ tin cậy khi con bước sang tuổi dậy thì và cả lúc đã trưởng thành.
Bài: An Hội