Tượng kỳ lân – unicorn từ chất liệu composite và phủ xi măng bên ngoài trở thành một góc thật duyên bên dưới giếng trời. Cộng hưởng trong hiệu ứng của ánh sáng và những điểm xanh
Thời gian thì mãi trôi nhanh về phía trước, rồi theo đó những gì thuộc về ngày cũ sẽ không ngừng mỏng manh hơn. Sự giao hòa thật khó để tạo ra. M2C cafe với ý nghĩa “Modern meets Culture” – nơi gặp gỡ của cuộc sống hiện đại với những văn hóa cũ – truyền tải một mong muốn về sự dung hòa giữa những chiều thời gian qua nhiều yếu tố cũ – mới đan lẫn ở không gian. Lựa chọn đầu tiên của người thiết kế và những chủ nhân của nơi đây là giữ lại thật nhiều những gì sẵn có trong kiến trúc của căn nhà phố – vốn đã in nhiều dấu ấn của phong cách Pháp thuộc trong những ngày đầu mới được xây dựng, rồi đến những chỉnh trang mang đậm “chất Mỹ” ở giai đoạn về sau. Đó là những nét đẹp không còn dễ tìm nơi thành phố đang bị thay đổi nhanh chóng từng ngày. Việc thiết kế nơi này, thế nên mới không tô, không vẽ thêm gì khác – ngoài nhiệm vụ tôn lên cốt cách của ngôi nhà.
Những mảng tường có lớp vữa bóc dở dang, để lộ ra phần gạch thô trong cốt nhà xưa. Lúc này, chúng đã trở thành yếu tố trang trí chính, mọi chi tiết khác đều được tiết chế
Ánh sáng là một trong những yếu tố gây thu hút đầu tiên ở nơi “Gặp gỡ”. Giải pháp ánh sáng nền lan tỏa thường gặp đã được loại bỏ, thay vào đó là hệ thống chiếu sáng điểm có trọng tâm, kết hợp cùng ánh sáng tự nhiên từ giếng trời nơi cầu thang. Từ đó tạo ra không khí dịu dàng và thư giãn lúc ban ngày, như trong một bóng cây râm mát đầy mời gọi dưới cái nắng của thành phố phương Nam. Đồng thời, khi đêm xuống, chính ánh sáng sẽ tạo ra không khí thân mật với cảm giác “vừa đủ” cho những cuộc chuyện trò. Một phần của hệ thống chiếu sáng đã trở thành điểm nhấn của M2C là dãy đèn trần và đèn tường tầng trệt. Các tấm đồng tái sử dụng được tạo hình và kết nối lại với nhau thành đèn trang trí. Một giải pháp sáng tạo đầy tính đương đại trên nền chất liệu cũ. Như một cách trực quan để người thiết kế truyền tải ý niệm kết nối giữa văn hóa, tinh thần xưa, hòa nhịp vào làn sóng đương đại.
Mảng tường xanh rêu với chất vintage; những vệt ánh sáng tự nhiên từ giếng trời hòa trộn vào trong ánh sáng điểm có được từ hệ thống đèn; phối hợp nhẹ nhàng từ những món nội thất mix & match giữa phong cách art-deco, cổ điển và cả hiện đại. Bấy nhiêu thôi mà đủ làm nên màu thời gian bàng bạc như luyến tiếc không muốn trôi qua
Các bức tường được tạo hình như những mảng vữa trát đang bóc ra dang dở, để lộ gạch thô của cốt nhà cũ. Trần nhà ở tầng trệt với kiểu vòm lượn sóng đặc trưng đã may mắn không được “đụng tới” qua nhiều lần cải tạo không gian của những chủ trước. Trên những mảng vữa của tường, các phào chỉ đơn giản trang trí như của những ngôi nhà Pháp thuộc được tạo hình lại. Đứt đoạn và lưu luyến. Như thời gian dùng dằng không nỡ trôi đi.
Ngay tại tầng trệt, đèn tường và dãy đèn treo lớn là những art works thú vị của Modern meets Culture. Những tấm đồng lớn, cũ được tạo hình thành đèn trang trí. Truyền tải một ý niệm kết nối giữa văn hóa cũ với làn sóng đương đại
Đồ gỗ được sử dụng ở M2C là sự pha trộn dễ chịu những phong cách mang nhiều dấu hương xưa của “art-deco”, cổ điển với chút năng động và hiện đại của các món nội thất đường nét đương thời. Tinh thần “vintage” còn phảng phất ở những mảng tường xanh rêu, trầm của tầng trên. Nơi cộng hưởng với ánh sáng và nội thất để rồi lan tỏa ra một màu bàng bạc đầy mê hoặc trong khắp không gian. Hệ thống đà bằng thép của tầng trên lại là điều thú vị khác. Và phần “hiện đại” của M2C được tạo thành với khởi nguồn này. Đó là ý tưởng đưa phong cách “industrial” vào trong thiết kế. Một hệ cầu thang và tay vịn bằng sắt được lắp đặt. Hệ thống điện lộ thiên với ống dẫn bằng thép. Tường gạch thô xuất hiện trong tổng thể cũng từ lẽ đó.
Một điều đã thành mặc định, Sài Gòn luôn là nơi chứa đựng nhiều chiều văn hóa và cởi mở với nhiều tính cách. Vậy nên, một nơi chốn thực sự thuộc về thành phố sẽ luôn kể được những câu chuyện thú vị như vậy. Kết nối và dung hòa đã trở thành một đặc tính cố hữu. Như ở ‘Modern meets Culture’ ta đang thấy – cũng góp thêm lời kể bằng một hình ảnh cũ quen mà lắm tân kỳ.
Bài: An P.
Ảnh: Monkey Minh